10 lưu ý khi styling chụp ảnh sản phẩm

LightWorld trích dẫn bài viết từ bài dịch của Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo để các bạn có thể hiểu hơn về các styling khi chụp ảnh sản phẩm.

Những bức ảnh sản phẩm là thứ đầu tiên đập vào mắt người tiêu dùng khi họ mua sắm online. Họ đưa ra những giả định khi nhìn vào những bức ảnh ấy. Chính vì vậy, mức độ tin cậy của một thương hiệu và giá trị cảm nhận của khách hàng đối với sản phẩm sẽ được xác định bởi mặt visual, phong cách của hình ảnh đó. Dưới đây là 10 tips sẽ giúp bạn trong quá trình styling chụp ảnh sản phẩm.

Thấu hiểu thương hiệu

Trước khi lên kế hoạch chụp ảnh sản phẩm, bạn cần phải hiểu được thương hiệu đó đã. Bức ảnh cần truyền tải được điều gì của thương hiệu?

Hãy bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện với client và kết thúc bằng một bản creative brief form. Creative brief  là một tài liệu cho client điền vào, trả lời những câu hỏi để giúp nhiếp ảnh gia hoặc designer hiểu được client muốn gì.

Khách hàng có thể sẽ gặp khó khăn khi mô tả những gì họ mong muốn. Họ có thể đưa ra những từ như “vui vẻ”, “táo bạo”, nhưng giữa bạn và clients có thể sẽ có những ý hiểu khác nhau về chúng. Thế nào là “vui” ? Vui của bạn chắc chắn khác vui của client.

Càng có nhiều thông tin hữu ích, bạn càng có khả năng làm hài lòng client của mình. Bạn có thể đặt ra những câu hỏi cho khách hàng như sau:

  • Thương hiệu muốn được nhìn nhận như thế nào?
  • Đối tượng công chúng của thương hiệu là ai?
  • Đối thủ cạnh tranh chính của thương hiệu?
  • Một số từ để mô tả thương hiệu?
  • Những bức ảnh sẽ được sử dụng như thế nào?

Ngoài ra, sử dụng mood board là một cách tiếp cận tuyệt vời để hiểu được khách hàng muốn gì. Bạn có thể tạo mood board trên Pinterest, cùng khách hàng tìm những hình ảnh mẫu, phù hợp với thương hiệu của họ về màu sắc, cảm xúc và thẩm mỹ… Visual chính là cách tốt nhất để truyền đạt ý tưởng cho client của bạn, từ đó styling chụp ảnh sản phẩm đáp ứng được mong muốn của họ.

Nghiên cứu thị trường mục tiêu

Trước khi chụp, bạn cần phải biết khách hàng mục tiêu của thương hiệu đó. Sản phẩm ấy có thu hút phụ nữ thuộc thế hệ millennials không, hay nhóm đối tượng ở độ tuổi cao hơn? Đó là sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp hay tầm trung? Hiểu được khách hàng mục tiêu sẽ giúp bạn lựa chọn và truyền tải đúng thông điệp hơn, ảnh hưởng đến cách bạn styling khi chụp ảnh sau này.

Các doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để tiếp cận mọi đối tượng chỉ với một thông điệp truyền thông. Việc xác định thị trường mục tiêu cho phép họ tập trung vào nhóm người có khả năng mua sản phẩm nhất, tiếp cận đến những khách hàng có khả năng sinh lời cao nhất.

Hãy nhớ rằng những người mua chưa chắc đã là người sử dụng sản phẩm (end user). Ví dụ, phụ nữ mua một số sản phẩm cho chồng, người yêu của họ. Do đó, đối tượng mục tiêu trong trường hợp này là nữ giới chứ không phải đàn ông. Từ đó cách thức thể hiện sản phẩm, styling trong khi chụp ảnh cũng cần thay đổi cho phù hợp hơn.

Ảnh: Chad Verzosa

Lên kế hoạch cho buổi chụp

Khi làm việc với client, bạn nên lập kế hoạch trước, càng chi tiết càng tốt. Hãy xem sử dụng props nào cho phù hợp, thẩm mỹ tổng thể của ảnh, cần chuẩn bị những gì khác trước buổi chụp? Bức ảnh cần truyền tải được câu chuyện, thông điệp của sản phẩm và thương hiệu.

Hãy viết ra tất cả những gì cần nhớ cho buổi chụp, không chỉ props mà cả những vấn đề chúng ta thảo luận trong bài viết này. Đúng là với tư cách là một nhiếp ảnh gia, bạn cần sáng tạo, nhưng cũng phải cung cấp cho client những hình ảnh truyền tải hiệu quả thông điệp họ muốn.

Ảnh: Chad Verzosa

Trước khi chụp, bạn nên chú ý tới ánh sáng. Hãy xác định loại ánh sáng bạn sẽ sử dụng, vị trí của nguồn sáng, các thông số máy ảnh phù hợp… Điều này đặc biệt cần thiết khi client có mặt trong buổi chụp với bạn. Bạn sẽ không muốn để khách hàng hay creative director thấy mình loay hoay với ánh sáng đâu. Bên cạnh đó, hãy kiểm tra nguồn sáng trước mỗi buổi chụp và đảm bảo các thiết bị hoạt động tốt. Điều này giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian cũng như tự tin hơn khi bước vào set chụp.

Phối màu như thế nào?

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tổng thể thẩm mỹ và thông điệp của bức ảnh là cách phối màu.

Hãy bắt đầu với mood chung của ảnh trước. Bạn muốn sự nhẹ nhàng và tươi sáng? Hãy cân nhắc dùng các màu pastel. Hay bạn muốn bức ảnh trông nổi bật hơn? Có thể sử dụng những props màu sắc sặc sỡ, đặt trên background trung tính như kiểu màu xám hoặc xanh dương nhạt.

Client có thể đã có bảng màu nhất định tượng trưng cho thương hiệu của họ. Khi ấy, bạn cần bám sát vào chúng hoặc kết hợp cùng những màu sắc khác phù hợp với màu chủ đạo của thương hiệu.

Tính logic trong bức ảnh

Một điều cần lưu ý nữa khi styling trong chụp ảnh sản phẩm, là mọi thứ trong bức ảnh của bạn cần phối kết hợp với nhau để tạo ra một bối cảnh hợp lý. Tất cả các đối tượng cần ăn khớp với nhau, có màu sắc, chiều cao, hình dạng phù hợp…

Giả sử, nếu bạn đang chụp chai sữa tắm có hương gỗ, bạn có thể sử dụng background nền gỗ cùng một số quả thông, cành cây hoặc lá cây để làm đạo cụ. Những yếu tố này sẽ kết hợp với nhau và mang đến cho khách hàng một thông điệp trực quan về hương thơm của sản phẩm.

Kết hợp props phù hợp

Props rất quan trọng vì chúng xây dựng bối cảnh cho sản phẩm được chụp. Chúng thể hiện mục đích sử dụng sản phẩm, nêu bật các tính năng chính hoặc các thông điệp trực quan khác về sản phẩm.

Ví dụ như hình ảnh bát hạt rau dền dưới đây, một sản phẩm thức ăn dành cho trẻ em. Nhiếp ảnh gia đã thêm vào đó món đồ chơi trẻ em để tạo cho bức ảnh một câu chuyện, nhất là khi bức ảnh sẽ được đặt cạnh ảnh chụp sản phẩm chính trên website của khách hàng. Ngoài ra, dầu ô liu là một thành phần của sản phẩm này nên được thêm vào ảnh như một món prop. Để làm nổi bật độ sáng bóng của chai dầu, người chụp đã sử dụng side-backlighting. Tổng thể bức ảnh mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thoáng mát, và đó là những gì client của họ đang tìm kiếm.

Ảnh: Darina Kopcok

Tỷ lệ các món đồ

Tỷ lệ kích thước là yếu tố vô cùng quan trọng trong chụp ảnh sản phẩm hay ảnh still life. Bạn cần chọn các món đồ có kích thước phù hợp với nhau và với sản phẩm. Props quá lớn sẽ khiến sản phẩm trông bị nhỏ đi, khiến người xem mất tập trung khi nhìn vào bức ảnh.

Ảnh: Chad Verzosa

Chọn đúng background

Background cũng quan trọng tương đương với props. Nó phải phù hợp với sản phẩm, mang lại đúng thông điệp và tính thẩm mỹ. Ví dụ, nếu sản phẩm của bạn là một thứ gì đó mộc mạc, thủ công, thì background gỗ là một lựa chọn độc đáo.

Nếu bạn đang chụp ảnh lifestyle, bạn có thể sử dụng các tấm poster màu sắc hoặc craft paper, các tấm gỗ, đá cẩm thạch, vải hoặc thậm chí là giấy dán tường.

Background đơn giản, có màu sắc trung tính kèm theo chút texture là lý tưởng nhất. Background với hiệu ứng như nền bê tông sẽ rất tuyệt để chụp các sản phẩm hiện đại. Nền trắng trơn sẽ phù hợp khi chụp ảnh sản phẩm để bán trên sàn thương mại điện tử. Nhưng đối với ảnh lifestyle, nền trắng với một chút texture trông sẽ thú vị hơn.

Bức ảnh bên dưới chụp một số sản phẩm bát đĩa gốm với các màu xanh lam, xanh lá và trung tính. Nhiếp ảnh gia sử dụng một nhành cây nhỏ để thêm vào chút texture cũng như yếu tố thiên nhiên mà không gây quá mất tập trung. Cô ấy chọn background có màu tương tự như bát đĩa. Texture trên background cùng tấm khăn trải bàn giúp tăng thêm sự thú vị cho bức ảnh. Nhìn chung thì bức ảnh này có tâm trạng buồn, phù hợp với đồ gốm nặng.

Ảnh: Darina Kopcok

Sản phẩm là trọng tâm của bức ảnh

Hãy nhớ mục đích chính của ảnh là để giới thiệu sản phẩm. Bạn có thể sử dụng props để bức ảnh thú vị hơn, nhưng chúng không được lấn át sản phẩm.

Có nhiều cách styling khi chụp ảnh để bạn trưng bày sản phẩm. Để có một góc nhìn độc đáo, bạn có thể treo các sản phẩm lên nếu thấy hợp lý, hoặc đặt sản phẩm vào khung cảnh ngoài trời. Bạn cũng có thể cho người xem thấy bối cảnh sử dụng sản phẩm. Ví dụ như hình ảnh bên dưới, nhìn vào khung hình, bạn có biết đang chụp quảng cáo sản phẩm gì không ? Hộp sữa hay máy xanh sinh tố hay ăn uống lành mạnh healthy ?

Ảnh: Darina Kopcok

Hãy nghĩ xem sản phẩm bạn chụp được sử dụng nhiều nhất trong bối cảnh nào. Ví dụ, các sản phẩm spa, bồn tắm thường được sử dụng trong phòng tắm, vì vậy sử dụng background kiểu lát gạch hoặc marble sẽ tạo ra mối liên hệ giữa sản phẩm và khung cảnh chúng được sử dụng.

Thêm nữa, khi người tiêu dùng mua hàng trực tuyến, họ sẽ xem xét kỹ hơn khi thấy bức ảnh có vẻ khác biệt hoặc thú vị. Hãy khéo léo làm nổi bật tính năng độc đáo của sản phẩm.

Bố cục hài hoà

Khó khăn lớn nhất khi styling chụp ảnh sản phẩm là tạo ra sự cân bằng. Bạn cần quan tâm đến props, màu sắc và các yếu tố khác hỗ trợ tôn lên sản phẩm. Ngoài việc chú ý để props không lấn át sản phẩm, hãy đảm bảo rằng bạn thể hiện được kích thước của sản phẩm. Một trong những nỗi thất vọng lớn nhất của người tiêu dùng khi mua hàng online là sản phẩm nhận được trông không giống như ảnh, hoặc số lượng sản phẩm ít hơn họ mong đợi.

Khi nói đến bố cục, một số bố cục “kinh điển” có thể giúp bạn tìm ra cách đặt sản phẩm. Ví dụ như quy tắc ⅓ nói rằng mắt người bị thu hút ở ⅔ phía dưới của bức ảnh. Hãy tưởng tượng bức ảnh được chia thành 3 phần theo chiều ngang và dọc như bên dưới. 4 vị trí nơi các đường lưới giao nhau là khu vực thu hút mắt người xem một cách tự nhiên nhất. Chúng ta có xu hướng nhìn vào một trong số những điểm giao nhau này trước, thay vì nhìn vào trung tâm bức ảnh. Theo lý thuyết thì khi sử dụng quy tắc này, bức ảnh của bạn sẽ thú vị hơn và đạt được sự cân bằng.

 

Tuy nhiên, các quy tắc vốn được tạo ra để bị phá vỡ. Không áp dụng quy tắc ⅓ không có nghĩa là bức ảnh của bạn không đẹp. Đây đơn giản là một chỉ dẫn để bạn đặt các đối tượng sao cho hợp lý.

Một mẹo bố cục khác là đặt sản phẩm hoặc các đối tượng quan trọng khác dọc theo các đường chéo trong ảnh. Các đường chéo đóng vai trò như đường dẫn để thu hút mắt người nhìn vào bức ảnh. Chúng ta tạo ra đường dẫn để hướng mắt người xem đến chủ thể ta muốn. Bên cạnh đó, các đường chéo, đường dẫn cũng giúp hình ảnh có chiều sâu hơn.

Kết luận

Tóm lại, nhiệm vụ của bạn khi chụp ảnh sản phẩm là kể câu chuyện về phong cách sống. Bức ảnh của bạn phải mang truyền cảm hứng và tạo cho khách hàng mong muốn sở hữu sản phẩm đó. Nếu làm được điều này, thì bạn đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Credit

Translated from website: expertphotography.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.